Hôm nay mình sẽ bắt đầu chia sẻ các nguyên tác kinh doanh mà mình tìm đọc được trong các tựa sách hay! Chủ yếu là vừa đọc vừa tóm tắt và tải lên blog nhằm lần sau tìm cho dễ! Anh em nào thấy thích thú thì cứ theo dõi series này nhé! Và hôm nay mình sẽ tóm tắt lại nội dung cuốn sách Bí quyết thành đạt của những nhà lãnh đạo tài ba.
Nội dung chính
Đúc kết những kinh nghiệm từ hàng thập kỷ của các bộ óc siêu việt, những nhà quản trị hàng đầu, những doanh nhân tài ba. Qua đó, chúng ta tiếp thu được những lời khuyên bổ ích và tìm ra câu trả lời cho sự thành công cũng như thất bại của họ.
Chương 1 – Những khởi đầu tốt đẹp
Các doanh nhân nổi tiếng nhất nước Mỹ đã khởi nghiệp như thế nào? Mình tóm gọn trong 2 câu chuyện cho dễ, trong sách liệt kê nhiều quá đọc không hết!
Phần mềm bằng những con số – Scott Cook
Từ khi học cấp 2, tôi đã đi bán thiệp Giáng sinh. Đến cấp 3, tôi kinh doanh khuy măng set. Vào đại học, tôi điều hành câu lạc bộ trượt tuyết. Nhưng những việc đó không phải là công việc kinh doanh hấp dẫn tôi. Khi nghe vợ tôi phàn nàn về chuyện hóa đơn thanh toán. Tôi bảo: “Ồ! Đây là một ứng dụng hay của máy vi tính”. Tôi gọi điện thoại cho các bà nội trợ, tìm hiểu xem họ làm gì với việc tính toán chi tiêu của mình, họ thích gì và không thích gì.
Để đáp ứng nhu cầu của các bà nội trợ, tôi thiết kế chương trình Quicken vừa nhanh vừa đơn giản, khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi khảo sát khách hàng của mình, một số đã dùng Quicken trong công việc làm ăn, nhất là ở các công ty nhỏ. Vì thế chúng tôi tạo ra một sản phẩm cho doanh nghiệp.
Sau hai năm phát triển, chúng tôi giới thiệu chương trình Quickbooks và trở thành sản phẩm dẫn đầu trên thị trường. Khi bạn làm điều gì đó mang tính đột phá, xuất phát từ một phát minh mới, bạn sẽ thành công, miễn là bạn tiến hành cho thật tốt.
Xây dựng cỗ máy hoàn hảo – Michael Dell
Cha mẹ tôi là người đầu tiên khuấy lên niềm đam mê kinh doanh trong tôi. Khi học cấp 2, công việc làm ăn đầu tiên của tôi là bán kẹo. Những năm cấp 3, tôi mở doanh nghiệp đấu giá tem. Lúc này, tôi mua cho mình chiếc máy tính Apple II, tôi tháo rời xem nó hoạt động như thế nào và tôi bắt đầu đam mê máy tính từ đó.
16 tuổi, tôi bán hàng qua điện thoại, tôi tìm hiểu đối tượng mua báo mới là những người mới chuyển tới hoặc mới kết hôn. Tôi tìm đến chính quyền để xin điều tra danh sách đối tượng này. Tôi có được hàng ngàn khách hàng mua báo và kiếm được 18 nghìn đô la tiền hoa hồng.
Tôi vào đại học Texas và bắt đầu bán máy tính trong ký túc xá. Một chiếc máy tính giá bán 2000 đô la, nhưng các bộ phận bên trong chỉ đáng 600 đô la. Tôi bỏ học và mở văn phòng nâng cấp máy tính, đó là cách công ty khởi đầu. Các nhà cung cấp linh kiện ủng hộ tôi, vì họ bán được hàng. Văn phòng ngày mỗi lớn, công ty càng phát triển.
Chúng tôi làm hỏng nhiều thứ, nhưng sau sự sai lầm là những bài học rất giá trị. Chúng tôi quyết không để một sai lầm xảy ra lần thứ hai và cố gắng để tiến bộ. Chúng tôi xem trọng vấn đề đạo đức kinh doanh, xem việc phục vụ khách hàng là vấn đề quan trọng như lời ba mẹ tôi đã dạy từ đầu. Và, đó là cách tốt nhất để Dell tiếp cận khách hàng và vươn lên.
Chương 2 – Những phương pháp làm việc tuyệt vời
Phần này mình thấy hay nhất – Bạn hãy check các mục mình chưa hoàn thiện và áp dụng thử nhé! Đảm bảo sẽ có tiến triển đấy!
Bí mật của những công ty hàng đầu thế giới
- Bí mật 1: So sánh mọi việc bạn làm với địch thủ.
- Bí mật 2: Có bộ phận riêng phát triển ý tưởng.
- Bí mật 3: Thách thức sự thành công của việc mua bán.
- Bí mật 4: Sự liên kết chặt chẽ.
- Bí mật 5: Luôn để ý những rắc rối.
- Bí mật 6: Nghiên cứu và phân tích ý tưởng.
- Bí mật 7: Không đặt cược cho đến khi kiếm được tiền.
- Bí mật 8: Biến quá trình phỏng vấn thành quá trình kiểm tra chất lượng.
- Bí mật 9: Biến những cuộc họp giải quyết kiến nghị thành những cuộc tranh luận không có giới hạn.
- Bí mật 10: Để nhân viên lựa chọn người lãnh đạo.
- Bí mật 11: Thưởng cho công nhân vì đã không lấy hàng hóa (Hạn chế sự thâm hụt – mất sản phẩm)
- Bí mật 12: Quyết định mức lương trên hai yếu tố – lợi nhuận và thâm niên.
- Bí mật 13: Sử dụng thông tin dự báo thị trường.
- Bí mật 14: Để nhân viên nói lên suy nghĩ.
- Bí mật 15: Nghe sự tư vấn của nhân viên hưu trí.
- Bí mật 16: Hãy để khách hàng tiếp thị giùm bạn.
- Bí mật 17: Biến nhân viên thành thám tử – Công ty bán lẻ Outfitters tặng các vé hòa nhạc và những đêm vui chơi miễn phí cho các nhân viên, để họ “nói lại những gì mình thấy và nghe được” cho nhóm thiết kế và nhóm mua hàng biết.
- Bí mật 18: Bắt đầu mỗi ngày bằng những cuộc hội ý chớp nhoáng – Cuộc hội ý 3 phút: Hằng ngày, nhà quản lý của UPS tập trung nhân viên lại trong một cuộc họp bắt buộc kéo dài chính xác 3 phút. Những cuộc họp này đảm bảo rằng nhân viên luôn nằm trong tầm kiểm soát.
- Bí mật 19: Phòng ngừa những rắc rối từ phía cổ đông – Luôn cập nhật và báo cáo trực tiếp với giám đốc để chuyển những mối bận tâm của nhà đầu tư thẳng lên ban giám đốc công ty.
- Bí mật 20: Đi “vi hành” thực tế.
- Bí mật 21: Nghe nhận xét “lời thật mất lòng” từ phía khách hàng.
- Bí mật 22: Chia phần trăm cho nhân viên.
- Bí mật 23: Trở thành khách hàng của chính mình.
Chương 3 – Những quyết định sáng suốt – Lựa chọn đúng đối tượng, đúng thời điểm
Câu chuyện: Henry Ford trả lương 5 đô la một ngày
Kể từ khi dây chuyền lắp ráp bị sự cố trong hoạt động, Henry Ford không giữ chân công nhân được nữa. Tốc độ thay thế công nhân 370%; tức là ông phải thuê 50 ngàn người một năm chỉ để duy trì lực lượng lao động 14 ngàn người.
Henry Ford công bố: Sẽ giảm bớt giờ làm việc từ 9 tiếng xuống 8 tiếng và mức lương 5 đô la một ngày (gấp hai lần mức lương đang thịnh hành là 2,34 đô la). Thông báo này đã làm nước Mỹ chấn động (năm 1914). Ông cũng đề ra tiêu chuẩn để nhận được 5 đô la thì công nhân phải giữ gìn tác phong đạo đức tốt, chấp nhận những cuộc viếng thăm tại nhà bởi bộ phận điều tra xã hội của công ty.
Quyết định đó đã giúp Henry Ford thoát khỏi sự mệt mỏi (vì sự không ổn định của công nhân). Ford nâng cao sản xuất hàng loạt xe hơi ra thị trường. Và, lần đầu tiên nhà tư bản có được hợp đồng với công nhân, tạo mối quan hệ khắng khít giữa chủ và thợ. Xây dựng biểu tượng cơ bản của chủ nghĩa gia trưởng của công ty.
Câu chuyện: Reginald Jones chọn người kế nhiệm
Jack Welch không có trong danh sách những người kế nhiệm ở G.E bởi anh quá trẻ, thiếu kiên nhẫn và còn bị tật nói lắp. Đặc biệt Jack Welch là người chống lại chủ trương của G.E và rất ghét chủ tịch Reginald Jones. Nhưng năm 1980, Reginald đã phong cho Jack làm giám đốc điều hành của G.E. Quyết định chọn người của Reginald đã trở nên nổi tiếng sau đó. Vì thời gian sau Jack đã đưa G.E thoát khỏi sự khủng hoảng toàn cầu và tiến lên.
Reginald đã nói: “Khi tìm kiếm người kế nhiệm, điều đầu tiên bạn cần làm là đừng tìm người giống mình. Điều hai, bạn nên nhìn vào môi trường phía trước và chọn một người nào đó có thể hòa hợp với môi trường đó, chứ không phải môi trường bạn đang sống”.
Câu chuyện: Jim Collins với những quyết định khó khăn
Những quyết định đúng đắn nhất không phải là về “cái gì” mà là về “ai”. Đó là những quyết định về con người. Ít có những quyết định quan trọng vào thời điểm tất cả mọi người đồng loạt nhất trí. Những quyết định đúng đắn luôn có sự tranh luận; cần tranh luận dữ dội để tìm kiếm trí tuệ. Nhưng sau khi đã có kết luận, người ta sẽ thống nhất để nó thành công. Những công ty thành công là những công ty nỗ lực từ bên trong, và nhận thức được bên ngoài. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là ở sự kiểm soát của chúng ta. Ra quyết định, về cơ bản là nghệ thuật sáng tạo.
Chương 4 – Những hình mẫu vĩ đại
Genetech – Nơi làm việc tốt nhất hiện nay
Domagoj Vucic đến với Genetech chỉ vì muốn thí nghiệm để biết đặc tính của virus hình que qua bướm để phục vụ cho việc chữa trị bệnh ung thư.
Tiến sĩ khoa học Napoleone Ferrara cũng đến với Genetech chỉ vì sự đam mê nghiên cứu sự hình thành mạch máu để cung cấp cho các khối u và tìm kháng thể để chặn đứng quá trình đó. Và nhiều nhà khoa học khác nữa, muốn đến Genetech. Chính những điều đó biến Genetech trở thành công ty tốt nhất được bầu chọn vào năm 2006.
Văn hóa của Genetech có nhiều điểm chung với Google và Apple, và họ đã thu hút được những người giỏi nhất, sáng dạ nhất. Genetech đầu tư 50% doanh thu vào việc nghiên cứu, nhất là các lĩnh vực ung thư học, miễn dịch học, phát triển các mô tế bào… Genetech trở thành thiên đường để cho các nhà khoa học thỏa mãn nghiên cứu phụng sự con người.
Nghệ thuật “phá vỡ mọi giới hạn”
Điều mà hầu hết mọi người không nhận ra ở Steve Jobs đó là ông ấy không chỉ giỏi tiếp nhận công nghệ, mà còn biến nó thành những sản phẩm dễ sự dụng và bắt mắt. Ông ấy có khả năng làm việc đó nhanh hơn bất kỳ ai. Jobs đã chứng tỏ mình vô địch trong nghệ thuật quản lý phá vỡ mọi giới hạn.
Nói đến hai công ty nổi bật là hãng vi tính Apple và hãng phim hoạt hình Pixar, khi hãng phim này sát nhập với Disney và Jobs tham gia vào đội ngũ lãnh đạo, Jobs đã trở thành nhà đầu tư uy lực nhất trong lĩnh vực giải trí. Với sự khởi đầu bằng hoạt hình kỹ thuật số kết hợp với đế chế Internet đang phát triển chóng mặt, Jobs vào ngay trung tâm giữa Hollywood và công nghệ cao. Jobs đã có môi trường thuận lợi để tạo những bước nhảy vọt. Hãy tưởng tượng nguồn lực kinh hoàng của cả Apple và Disney khi được Jobs điều hành!
Chương 5 – Những nhóm làm việc tốt nhất – Người tài giỏi làm việc như thế nào?
Câu chuyện: Cắn quả táo
Nhóm bốn người ban đầu, sau tăng lên hàng chục người, muốn làm ra một chiếc máy tính cá nhân để một người dân bình thường có thể sử dụng dễ dàng. Đó là những người vui vẻ, lạc quan, làm việc trong công ty Mac, do người đồng sáng lập hãng máy tính Apple, Steve Jobs đứng đầu. Họ làm việc với 90 giờ một tuần với mức lương cực kỳ thấp. Sau ba năm hoạt động, năm 1983, Mac ra đời với giá 2.495 đô la. Khi nó được mở lên, một biểu tượng nhỏ thân thiện mĩm cười với thế giới bên ngoài và thế giới cũng cười đáp lại. Nó được bán rất nhanh, đánh dấu bước ngoặc trong máy tính cá nhân.
Tại sao những nhóm làm việc lý tưởng lại thất bại?
Lý thuyết cơ bản về nhóm làm việc lý tưởng là sai. Bạn không thể tập hợp một nhóm toàn là những ngôi sao và nhìn họ chinh phục thế giới. Vì đó không phải là nhóm làm việc chung mà chỉ là một nhóm người.
Có quá nhiều ngôi sao trong một nhóm thì khó có được một nhóm làm việc có hiệu quả. Vì các thành viên trong nhóm có thể có những lý do riêng để không tin tưởng nhau, vì ai cũng cho rằng mình là ngôi sao. Trong kinh doanh, các nhóm lý tưởng thường là một phần của thú vui giải thoát chứ không phải là thế giới thực. Khi nhóm như thế thực sự tồn tại, họ sẽ có thường là hai người, những cặp đôi.
John McConnell nói: “Hãy cho chúng tôi những người tận tâm, hết lòng để làm cho nhóm của mình hoạt động tốt, chứ không phải một nhóm những con người tài năng với bản ngã vĩ đại, và chúng tôi sẽ chiến thắng mọi lúc, mọi nơi”.
Chương 6 – Những lời khuyên tuyệt vời – Những định nghĩa về sự lãnh đạo cho các nhà quản lý tốt nhất
Chương này tập hợp lời khuyên từ các nhà lãnh đạo tài ba!
Peter Drucker (Nhà tư vấn kinh doanh)
Tính cách của một nhà điều hành hiệu quả là xây dựng dựa trên thế mạnh của con người (đồng nghiệp). Cần phải ra ngoài để xem, nghe và tự mình cảm nhận về thị trường. Người điều hành hiệu quả có thói quen tuân thủ thời gian, và vấn đề quan trọng là không chỉ loại bỏ những chương trình, sản phẩm thất bại mà còn phải loại bỏ những thành công đã không còn tiềm năng nữa.
Warren Buffett (Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway)
Bạn đúng không phải vì mọi người đồng ý với bạn mà vì cơ sở lập luận của bạn đúng.
Richard Branson (Chủ tịch tập đoàn Virgin)
Freddie Laker khuyên Branson: “Cậu sẽ không bao giờ có đủ tiền để vượt qua British Airways vì khoản quảng cáo. Cậu phải thoát ra khỏi ý nghĩ đó, và hãy sử dụng những gì mình có. Hãy xử sự như tên ngốc, nếu không cậu sẽ không thể tồn tại. Họ dùng thủ thuật đánh gục cậu, cậu phải kiện”.
Howard Schultz (Chủ tịch tập đoàn Starbucks)
Warren đã khuyên Schultz: “Hãy phát hiện ra những kỹ năng và phẩm chất mình không có để tuyển dụng người có kỹ năng và phẩm chất đó”. Nhưng, ngoài vấn đề này, Schultz nghĩ, ông cần thu hút những người cùng khuynh hướng để gắn chặt việc xây dựng công ty đạt được sự cân bằng mỏng manh giữa khả năng sinh lợi, giá trị vốn cổ đông, lòng nhân từ và lương tâm xã hội.
A.G. Lafley (Chủ tịch và giám đốc điều hành Procter & Gamble)
Lafley làm đơn từ chức và xin ra khỏi công ty Procter & Gamble vì ông cho rằng sự quan liêu ở đây quá ngạt thở và sự thay đổi thì quá chậm chạp. Steve Donovan, cấp trên của ông khuyên: “Anh đang chạy trốn, anh không có can đảm để ở lại và thay đổi nó. Rồi anh cũng sẽ chạy trốn công việc tiếp theo thôi”. Lafley ở lại công ty và quyết tâm thay đổi những điều không hay.
Meg Whitman (Cựu chủ tịch eBay)
Whitman luôn nhớ lời cha dạy: “Không có lý do gì để xử tệ với bất kỳ ai với bất kỳ lúc nào. Con không bao giờ biết được con sẽ gặp những ai trong cuộc đời mình. Hãy cư xử tử tế, làm hết mình và quan trọng là giữ cho mọi việc theo đúng hướng phát triển”.
Dick Parsons (Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Time Warner)
Steve Ross đã khuyên Dick: “Hãy luôn nhớ rằng đây là việc kinh doanh nhỏ nhưng cuộc đời thì dài. Theo từng vụ làm ăn, khi anh thỏa thuận với ai, hãy để lại chút gì đó để mọi người vui vẻ thay vì cố thu tóm mọi thứ về phía mình”.
Anne MulCahy (Giám đốc điều hành Xerox)
Albert C. Black đã khuyên MulCahy: “Khi mọi thứ trở nên quá phức tạp và cô thấy mình quá tải, hãy suy nghĩ theo cách này: “Có ba việc phải làm. Đầu tiên, mang con bò ra khỏi cái mương. Tiếp đến, tìm hiểu vì sao con bò lọt vào cái mương. Và sau cùng, là đảm bảo cô sẽ làm bất cứ gì để con bò không rơi vào cái mương lần nữa”.
Hector Ruiz (Giám đốc điều hành AMD)
Bob Galvin khuyên Ruiz: “Nếu bạn tập hợp quanh mình toàn những người chính trực và tất cả họ đều hiểu mục tiêu và yêu cầu của công ty, lúc đó người lãnh đạo chỉ việc tránh đường cho họ làm việc”.
Donny Deutsch (Giám đốc điều hành công ty Deutsch)
Deutsch khắc sâu lời khuyên của bố: “Con người phải được kính trọng và tin tưởng như con người chứ không phải vì chức danh hay địa vị của họ”.
Carley Roney (Tổng biên tập tạp chí The Knot)
“Làm lãnh đạo cũng như làm cha mẹ vậy. Đó là một quá trình vượt qua khó khăn và hãy để chúng trở thành máu thịt của chính chúng. Bạn phải chắc chắn là mình đã thiết lập một tổ chức có thể hoạt động dù có hay không có bạn”.